Phi tần có danh phận Phi tần của Đường Thái Tông

Vi Quý phi

Quý phi Vi thị (貴妃韋氏, 597 - 665), tên thật Vi Khuê (韋珪), biểu tự Trạch (泽), người huyện Đỗ Lăng đất Kinh Triệu, là cháu gái của Bắc Chu Thái phó Vi Hiếu Khoan, con gái của Vi Viên Thành (韦圆成) và chính thất Dương phu nhân.

Trong Cựu Đường thưTân Đường thư đều không có truyện của bà, sinh thời hành trạng chỉ được viết qua bia mộ của bà và trong mộ bia của A Sử Na Trung (阿史那忠). Theo đó, Vi thị trước từng hạ giá lấy Lý Hiếu Mân (李孝珉), con trai của Hộ bộ Thượng thư nhà TùyLý Tử Hùng (李子雄), sinh một con gái. Sau cả nhà họ Lý bị diệt, Vi Khuê thành thiếp của Thái Tông.

Năm Vũ Đức thứ 7 (624), Vi thị sinh ra con gái tên Lý Mạnh Khương (李孟姜). Năm thứ 9 (626), Thái Tông đăng cơ, sang năm sau, tức Trinh Quán nguyên niên (627), Thái Tông liền phong Vi thị làm Quý phi, Mạnh Khương được phong Lâm Xuyên công chúa, còn con gái riêng của Quý phi với Lý Hiếu Mân được phong làm Định Tương Huyện chúa, giá cấp A Sử Na Trung. Năm thứ 2 (628), Vi Quý phi sinh hạ Kỷ vương Lý Thận. Khi Đường Cao Tông Lý Trị lên ngôi, Vi Quý phi được tôn làm Kỷ Quốc thái phi (紀國太妃).

Năm Lân Đức thứ 2 (665), khi tùy hầu Cao Tông và Võ Tắc Thiên lên Thái Sơn phong thiện, Vi Thái phi qua đời ở huyện Hà Nam, được bồi táng cùng Thái Tông ở Chiêu lăng.

Dương Quý phi

Quý phi Dương thị (貴妃杨氏), không rõ xuất thân. Có sách nói bà là con gái của Dương Huyền Tưởng (杨玄奖) - Trưởng tử của Dương Tố, nhưng không có khảo chứng.[1] Bà sinh ra Triệu vương Lý Phúc (李福) - con trai thứ 13 của Đường Thái Tông,[2] mộ táng không rõ, về sau được bồi táng ở Chiêu lăng.

Cựu Đường thưTân Đường thư đều gọi là Dương phi (杨妃), không rõ phong hiệu khi còn sống, vì khi đó phong hiệu "Quý phi" là của Vi Quý phi, không rõ phong hiệu "Quý phi" của Dương phi có từ lúc nào. Sau khi Đường Cao Tông Lý Trị lên ngôi, bà được phong làm Triệu Quốc thái phi (趙國太妃).

Dương phi

Dương Thục phi Dương thị (杨叔妃妃杨氏), con gái của Tùy Dạng Đế Dương Quảng, sinh ra Ngô vương Lý Khác - con trai thứ 3 của Đường Thái Tông; và Thục Điệu vương Lý Âm (李愔) - con trai thứ 6 của Đường Thái Tông.

Đương thời, cả Cựu Đường thư lẫn Tân Đường thư đều không ghi rõ hành trạng của bà, sinh mẫu là ai. Năm Đại Nghiệp thứ 14 (618), Tùy Dạng Đế bị giết ở Giang Đô, và căn cứ theo năm sinh của Ngô vương Khác (năm 619, tức Vũ Đức năm thứ 2), Dương thị trở thành phi tần của Đường Thái Tông trong thời gian trước đó vài năm.

Năm Vũ Đức thứ 9 (626), Đường Thái Tông đăng cơ. Căn cứ vào việc Dương thị về sau được gọi là "Phi" (妃), thì hẳn bà đã đạt được vị trí là 1 trong Tứ phi (Quý phi, Thục phi, Đức phi và Hiền phi), nhưng lại không rõ danh hiệu. Do khi đó Quý phi Vi Khuê và Hiền phi Yến thị còn đang tại vị, nên danh hiệu của bà nhiều khả năng là "Thục phi" (淑妃) . Không rõ hành trạng của Dương phi sau đó thế nào. Chỉ biết về sau, bà cũng được chôn phụ vào Chiêu lăng.

Âm phi

Thứ phi Âm thị (次妃陰氏), người Vũ Uy thuộc Lương Châu, sinh ra Tề vương Lý Hựu (李祐) - con trai thứ 5 của Đường Thái Tông. Bà là cháu nội của khai quốc công thần nhà TùyÂm Thọ (阴寿), con gái Âm Thế Sư (阴世师).

Năm Đại Nghiệp thứ 13 (617), Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi nghĩa chống nhà Tùy tại Thái Nguyên, Âm Thế Sư trung thành với nhà Tùy, để đáp trả đã sát hại Lý Trí Vân (李智云) - con trai thứ 5 của Đường Cao Tổ, phá hủy nhiều mộ phần của họ Lý. Sau này nhà họ Âm bị tru sát, chỉ còn lại Âm thị và anh trai là Âm Hoằng Trí (阴弘智). Theo như biểu hiện, Âm thị được Thái Tông nạp làm thiếp từ trước khi ông lên ngôi. Khoảng đầu năm Vũ Đức (618 hoặc 619), Âm thị đã sinh ra Tề vương. Sau khi Lý Thế Dân đăng cơ, bà được phong Phi, không rõ danh hiệu, nhưng do khi đó Quý phi Vi Khuê và Hiền phi Yến thị còn đang tại vị, nên danh hiệu của bà nhiều khả năng là "Thục phi" (淑妃) hay "Đức phi" (德妃).

Năm Trinh Quán thứ 17 (643), con trai là Tề vương Hựu mắc tội mưu phản, hùa theo cậu là Hoằng Trí gây loạn, khiến Âm phi trong cung cũng chịu liên lụy. Không lâu sau, Lý Hựu bị giải về Trường An, ban chết. Sách sử không ghi thêm hành trạng và số phận về sau của bà. Cũng không thấy bà được chôn ở Chiêu lăng.

Yến Đức phi

Đức phi Yến thị (德妃燕氏, 609 - 671), xuất thân thế tộc họ Yến tại huyện Xương Bình, Trác quận. Cháu nội của U châu Tổng quản nhà TùyYến Vinh (燕荣), con gái Yến Bảo Thọ (燕宝寿) và Dương phu nhân. Bà có người anh trai là Thứ sử của Ngạc ChâuVận Châu, tước Xương Bình Quận công Yến Kính Tự (燕敬嗣). Dương phu nhân xuất thân Hoàng tộc nhà Tùy, là con gái thứ 3 của Dương Hùng (杨雄).

Khi Yến thị được khoảng 13 tuổi, nức tiếng hiền đức, nên khoảng năm Vũ Đức thứ 4 (621) được gả cho Lý Thế Dân làm thiếp khi ông còn là Tần vương, sách phong hiệu làm Quý nhân. Năm Trinh Quán nguyên niên (627), Yến thị được phong "Hiền phi" (賢妃), cùng năm sinh Hoàng bát tử Việt vương Lý Trinh (李貞). Không lâu sau, bà sinh ra Hoàng thập nhất tử Lý Hiêu (李囂), nhưng Hoàng tử chết non vào năm Trinh Quán thứ 6 (632), nên truy phong Giang Thương vương.

Năm Trinh Quán thứ 18 (644), Yến thị lại được tấn phong "Đức phi" (德妃). Lúc ấy, Yến thị có quan hệ họ hàng với 3 phi tần khác của Đường Thái Tông là Sào Vương phi Dương thị, Dương Tiệp dư và Tài nhân Võ Mị. Ngoại tổ phụ Dương Đạt của Võ Mị là em trai của Quan vương.

Thời Đường Cao Tông Lý Trị, Yến Đức phi được tôn làm Việt Quốc Thái phi (越國太妃). Theo di mệnh, Yến phi cùng con là Việt vương Trinh dời đến sống ở phong quốc. Năm Càn Phong nguyên niên (666), Yến phi hầu Cao Tông và Võ hậu lên Thái Sơn, đảm nhận tế Chung hiến. Đến năm Hàm Hanh thứ 2 (671), Yến phi qua đời ở Trịnh Châu (nay thuộc khu vực Hà Nam, Trung Quốc), thọ 63 tuổi. Bà được phụ táng vào Chiêu lăng.

Từ Hiền phi

Hiền phi Từ thị (賢妃徐氏, 627 - 650), tên thật Từ Huệ (徐惠), người Hồ châu, xuất thân gia tộc có tiếng thi thư. Bà là con gái Từ Hiếu Đức (徐孝德), chị gái của Thứ sử Từ Tế Đam (徐齐聃), bà còn có và một em gái, về sau là Tiệp dư của Đường Cao Tông.

Trong lịch sử ghi lại, Từ thị là tài nữ nổi danh đương thời, phi tần được sủng ái bậc nhất những năm cuối đời Thái Tông, nhập cung làm Tài nhân rồi dần phong đến bậc "Sung dung" (充容). Mất ít lâu sau khi Thái Tông băng hà, được truy tặng "Hiền phi" (賢妃) và an táng tại Chiêu lăng. Bà là phi tần duy nhất của Đường Thái Tông có truyện riêng trong phần "Hậu phi truyện" của hai sách Đường thư.